“Quyền tự do”, “Võ tự do” là những cụm từ được sử dụng trong làng võ miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Nhân đọc bài phân tích do đâu có tên gọi “Võ tự do” của VS Lê Thanh Tùng (nhà vô địch “Quyền tự do” đầu thập niên 1970), trên trang facebook của một đồng môn, võ sư Châu Minh Hay đã nêu một số suy nghĩ cá nhân. Nhằm rộng đường dư luận, VoThuat.vn xin đăng tải lại ý kiến của ông.
Căn cứ vào lịch sử, chúng ta sẽ thấy nền võ thuật Việt Nam có từ hàng nghìn năm trước. Nhưng danh xưng Võ cổ truyền thì chỉ xuất hiện mới đây (khoảng đầu thập niên 90) nhằm gộp lại các phái võ có nguồn gốc tại Việt Nam từ lâu đời, mà trước đó dân mình quen gọi là “Võ ta”, để phân biệt với những môn võ du nhập khác.
Từ xa xưa, các võ đài đã từng được dựng lên cho các võ sĩ tranh tài cao thấp nhằm: Tuyển chọn anh tài ra giúp nước, trong các thời kỳ võ học Việt Nam chưa được đưa vào trường dạy võ và tổ chức thi cử khoa bảng, nhưng quốc gia thì vẫn cần có những võ tướng để cầm binh; Thống lĩnh một nhóm, một tập thể đang hành nghề có liên quan đến võ thuật (có thể là chánh nghĩa hoặc tà phái), ví dụ nghề bảo tiêu hay làm thủ lĩnh của phường lục lâm thảo khấu; Tuyển chọn phu quân (chuyện này chỉ được nghe nói đến trong các tiểu thuyết dã sử hoặc kiếm hiệp).
Và nhiều hình thức khác nữa trong đó bao gồm cả hình thức giải trí.
Tóm lại là võ đài đã từng được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng không ai phân biệt tên gọi võ đài của môn võ gì và luật lệ gần như chưa được xây dựng, ngoài kết quả thắng hay thua một cách thuyết phục. Nghĩa là một trong hai võ sĩ không còn đủ khả năng thi đấu, hoặc xin thua.
Mãi đến đầu thế kỷ thứ 20, khi trào lưu võ thuật ngoại nhập thịnh hành tại Việt Nam, thì các trận đấu dưới hình thức so tài theo một quy luật bắt buộc, mà thể loại thi đấu Quyền Anh là thể loại thi đấu mở màn cho các hình thức thi đấu của một vài môn võ khác sau đó, võ đài sử dụng sàn đài trên cao và được thiết kế có dây đài căng bốn mặt.
Tuy nhiên, để có thể tham gia thi đấu võ đài các môn này thì: Một là võ sĩ phải là người luyện tập môn ấy, và phải tuân thủ theo luật thi đấu của môn ấy. Hai là võ sĩ phải có xuất thân rõ ràng, từ một tổ chức hợp pháp của môn này.
Võ đài lúc bấy giờ chưa cho phép các trận tranh tài giữa võ sĩ của môn này đấu với võ sĩ của môn khác. Nghĩa là “sân chơi” còn mang tính đặc thù.
Sự ràng buộc này đã khiến các võ sĩ không thuộc những môn võ nêu trên bức xúc, làm bùng phát các trận đài không phân biệt và bị giới hạn bởi các quy định nói trên. Nghĩa là bất kỳ một võ sĩ nào muốn lên tranh tài cũng được, thường là tranh tài với các đối thủ như: Người thách đấu, người thủ đài, người có thỏa thuận.
Ban đầu, các cuộc tranh tài này cũng mang dáng dấp xưa, nghĩa là chỉ có thắng hay bại chứ không có luật cấm nào khi thi đấu. Chỉ khác là 2 võ sĩ được thi đấu trên đài hạn chế khu vực thi đấu bằng dây căng 4 phía, và một hội đồng gọi là trọng tài để nhận xét và tuyên bố kết quả.
Về sau, do tính chất sát thương quá cao, người ta mới bắt đầu đặt ra những quy định gọi là luật, nhằm giảm thiểu mức chấn thương, và cho phép một người thứ 3 có mặt trên sàn đài để can thiệp kịp thời những tình huống nguy hiểm, người này được gọi là trọng tài.
Tới đầu thập niên 1950-1960, các trận tỷ thí kiểu này vẫn chưa áp đặt một quy định nào nhằm hạn chế võ sĩ lên đài phải thuộc võ phái nào và xuất xứ từ đâu… Cho nên bất kỳ ai, tự thấy đủ khả năng thi đấu và muốn khẳng định mình, đều có quyền đăng ký lên đài. Nhiều võ sĩ không thuộc võ đường nào mà chỉ được truyền dạy theo lối gia truyền hay tộc truyền. Thậm chí tự luyện mà không theo một sự chỉ dạy hay hướng dẫn của ai.
Từ chỗ không có quy định nào về xuất thân hay nguồn gốc của võ sĩ, mà danh từ “Võ tự do” bắt đầu hình thành.
Ý nghĩa “tự do” này bao gồm: Không bắt buộc phải có một võ đường bảo trợ; Không thi đấu dưới danh nghĩa của một môn phái võ nào; Các trận đấu, võ sĩ toàn quyền thi triển những đòn thế thuộc sở trường của mình, mà không bị cấm đoán.
Không như các môn thịnh hành khác thường tổ chức võ đài thời đó như Quyền Anh và Quyền Thái chẳng hạn (1).
Điều này cho thấy vào thời đó, ngoài 2 môn Quyền Anh và Quyền Thái thi đấu theo luật riêng của họ thì còn lại tất cả các môn võ khác, đều có thể ghi tên đăng ký thi đấu các trận võ đài dưới tên gọi Võ tự do.
Dần dần về sau, nhiều võ sĩ đã trải nghiệm qua nhiều trận đài có kết quả khả quan, cũng bắt đầu mở võ đường và đặt tên cho võ đường của mình. Mặc dù trước đó có khi họ tự luyện hoặc luyện theo phương pháp gia truyền chứ không có xuất xứ của một dòng võ nào rõ rệt. Cũng có thể thế hệ cha, ông của họ thụ hưởng võ thuật bằng một sự tình cờ, rồi sau đó kết hợp với khả năng thiên bẩm, tố chất có sẵn….họ đã thành công trong việc tạo cho mình một chỗ đứng trên lĩnh vực võ thuật.
Năm 1991, khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được thành lập, các quy chuẩn, luật lệ được đặt ra, từ đó người ta không còn nhìn thấy các võ đài được tổ chức như trước nữa, thay vào đó là các giải thi đấu, bao gồm phần hội diễn và phần đối kháng với tên gọi giải Võ Cổ truyền cấp tỉnh, huyện hay toàn quốc. Và tên gọi Võ tự do cũng dần dần mai một, chỉ còn lại trong ký ức một thời của làng võ Việt Nam.
Châu Minh Hay